0

Rối loạn lo âu bệnh tật là gì? | Safe and Sound

Trước kia, rối loạn lo âu bệnh tật được chuyên gia tâm lý gọi là chứng bệnh tưởng (hypochondria), tình trạng này liên quan đến một người lo lắng một cách thái quá về việc mình sẽ bị bệnh nặng, ngay cả khi các cuộc khám bệnh y khoa kỹ lưỡng đã không hề cho thấy điều gì bất thường.

 

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Định nghĩa rối loạn lo âu bệnh tật

Theo chuyên gia tâm lý, bệnh tưởng được xem là hai thể tách biệt: rối loạn lo âu bệnh tật (illness anxiety disorder) - nếu không hề có triệu chứng hoặc các triệu chứng chỉ ở mức độ nhẹ; rối loạn triệu chứng thực thể (somatic symptom disorder) - nếu có các triệu chứng thể chất lớn đang gây ra căng thẳng cảm xúc. Các chuyên gia tâm lý cho biết, những người mắc rối loạn lo âu bệnh tật trở nên cực kỳ lo lắng cho sức khỏe của họ. Một vài người có cảm giác thổi phồng về một căn bệnh đang tồn tại (khoảng 20% trong có đang thực sự có vấn đề về tim, hô hấp, tiêu hoá hay thần kinh). Họ đinh ninh rằng những triệu chứng này là dấu hiệu của một căn bệnh nghiêm trọng mà chuyên gia tâm lý, bác sĩ đã bỏ qua.

Chứng rối loạn lo âu bệnh tật thường kéo dài, thay đổi về mức độ nghiêm trọng và có thể tệ đi theo tuổi tác hoặc do căng thẳng. Nó có thể được kích hoạt bởi một biến cố lớn trong cuộc đời. 

Một người lo âu hay trầm cảm dễ mắc rối loạn này hơn. Việc đánh giá và điều trị của chuyên gia tâm lý chú trọng vào việc ngừng các hành vi né tránh và trấn án, tái đánh giá các niềm tin về sức khoẻ và tăng cường sự chấp nhận về những việc không thể đoán định.

2. Triệu chứng rối loạn lo âu bệnh tật

Ảnh 1: Rối loạn lo âu bệnh tật là tình trạng lo lắng quá mức rằng mình đang bị một bệnh gì đó rất nghiêm trọng 

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, triệu chứng của rối loạn lo âu bệnh tật thường liên quan đến việc bạn bận tâm quá mức rằng mình đang mắc một bệnh gì đó nghiêm trọng, cho dù chỉ dựa vào những cảm giác bình thường của cơ thể hoặc những dấu hiệu rất nhỏ (như chỉ là một chấm nhỏ trên da). Các triệu chứng gồm:

  • Bận tâm rằng mình đang mắc một tình trạng bệnh lý nào đó rất nghiêm trọng.
  • Lo lắng rằng những triệu chứng rất nhỏ, hoặc những cảm giác cơ thể có nghĩa là bạn đang mắc bệnh rất nặng.
  • Dễ cảnh giác với mọi vấn đề sức khỏe.
  • Không tin tưởng sau mỗi lần khám bác sĩ hoặc khi làm xét nghiệm không ra bệnh.
  • Lo lắng quá mức về một bệnh nào đó hoặc cho rằng mình có nguy cơ cao bị bệnh đó vì bệnh đó di truyền trong gia đình.
  • Căng thẳng quá nhiều về những bệnh tật có thể mắc làm cho bạn giảm năng suất làm việc.
  • Kiểm tra đi kiểm tra lại các dấu hiệu bệnh tật trên cơ thể của bạn.
  • Thường xuyên đi khám quá mức để cảm thấy an tâm, hoặc ngược lại có trường hợp tránh không đi khám vì sợ phát hiện ra mình bệnh nặng.
  • Tránh mọi người, địa điểm, những hoạt động mà cho rằng có nguy cơ về sức khỏe.
  • Nói quá nhiều về tình trạng sức khỏe của mình hoặc những bệnh có thể mắc.
  • Thường xuyên đọc trên internet về nguyên nhân của các triệu chứng hoặc những bệnh có thể mắc.

3. Yếu tố nguy cơ mắc rối loạn lo âu bệnh tật

Ảnh 2: Người bệnh hay gặp căng thẳng, áp lực trong cuộc sống có nguy cơ mắc bệnh

Rối loạn lo âu bệnh tật thường bắt đầu ở giai đoạn trưởng thành hoặc trung niên, có thể tăng lên khi về già. Đối với người già, chuyên gia tâm lý cho biết rối loạn lo âu bệnh tật thường là sợ bị mất trí nhớ.

Những yếu tố nguy cơ thường gồm:

  • Có thời gian có những áp lực, căng thẳng trong cuộc sống.
  • Tưởng như bị mắc bệnh gì đó rất nghiêm trọng nhưng sau đó bác sĩ kết luận không phải.
  • Có tiền sử bị lạm dụng ở trẻ em.
  • Giai đoạn trẻ em có mắc bệnh nghiêm trọng hoặc cha mẹ có bệnh nghiêm trọng.
  • Nhân cách, chẳng hạn như có xu hướng hay lo lắng.
  • Sử dụng internet liên quan đến chủ đề sức khỏe quá nhiều.
: Rối loạn lo âu bệnh tật là gì? | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound